CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 4/2021
Ngày đăng 20/04/2021 | 16:47  | Lượt xem: 440

Sửa đổi liên quan đến đình chỉ thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; thẻ bảo hiểm y tế sử dụng mẫu mới nhỏ gọn hơn; chủ nhà sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng nếu không đóng bảo hiểm xã hội cho người giúp việc... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2021.

1. Sửa đổi liên quan đến đình chỉ thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Có hiệu lực từ ngày 27/4/2021, Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Thông tư này có sửa đổi, bổ sung liên quan đến đình chỉ thi. Theo đó, đình chỉ thi đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi: Đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; Mang vật dụng trái phép theo quy định vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; Đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; Viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; Có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác; Không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyến trong khu vực thi và trong thời gian ở phòng chờ.

Cán bộ coi thi lập biên bản, thu tang vật (nếu có) và báo cáo trưởng điểm thi quyết định hình thức đình chỉ thi. Nếu trưởng điểm thi không nhất trí thì báo cáo trưởng ban coi thi quyết định.

Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi, phải ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định và chỉ được rời khỏi khu vực thi khi hết thời gian của buổi thi.

Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi/môn thỉ trong kỳ thi năm đó.

2. Đổi mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới

Từ ngày 1/4, thẻ bảo hiểm y tế sẽ được thay đổi, kích thước nhỏ như thẻ ATM, 85,6 x 53,98 mm, trong khi mẫu thẻ cũ 98 x 66 mm. Đây là một trong những điểm mới được nêu trong Quyết định 1666 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Thẻ mới được in plastic, thay vì chất liệu giấy như hiện nay. Mã số thẻ sẽ có 10 chữ số thay vì 15 ký tự. Mặt sau hướng dẫn kiểm tra chi phí khám chữa bệnh, thông tin thẻ và thắc mắc liên hệ Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện cấp thẻ hoặc Tổng đài 19009068, thông tin mẫu thẻ trước đây không có.

Bảo hiểm xã hội các tỉnh sẽ cấp thẻ theo mẫu mới khi đã sử dụng hết phôi thẻ cũ, không đổi mẫu mới nếu thẻ cũ vẫn còn thời hạn sử dụng.

3. Chủ nhà phải đóng bảo hiểm xã hội cho người giúp việc

Theo Nghị định 28/2020 có hiệu lực từ 15/4, chủ nhà sẽ bị phạt cảnh cáo nếu không ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình; không trả tiền tàu xe, đi đường khi họ thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Chủ nhà còn bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng nếu giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình; không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định. Mức phạt này cũng áp dụng với gia chủ thuê người cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

4. Hành hạ chó, mèo bị phạt tối đa 3 triệu đồng

Có hiệu lực từ ngày 20/4, Nghị định 14/2021 hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi lần đầu quy định mức phạt hành chính với cá nhân, hành hạ, đánh đập vật nuôi từ một đến 3 triệu đồng, với tổ chức tối đa 6 triệu đồng.

Theo quy định, hành hạ là việc dùng sức mạnh để đánh đập, bắt trói, giam cầm hoặc không cho ăn, không cho uống, không chăm sóc... vật nuôi. Trưởng công an cấp xã, chủ tịch UBND các cấp được cấp quyền xử phạt với hành vi này.

Ngoài ra, với hành vi đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ, không có nơi lưu giữ đảm bảo vệ sinh trước khi giết mổ cũng bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng, áp dụng đối với các cơ sở giết mổ tập trung.

5. Sửa đổi quy định giá điện đối với dự án điện sinh khối

Ngày 5-3-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 08/2020/QĐ-TTgsửa đổi, bổ sung Quyết định 24/2014/QĐ-TTg ngày 24-3-2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 25-4-2021.

Theo đó, đối với các dự án đồng phát nhiệt - điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.634 đồng/kWh tương đương 7,03 UScents/kWh (quy định cũ 1.220 đồng/kWh tương đương 5,8 UScents/kWh), theo tỷ giá tính theo tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21.2.2020.

Đối với các dự án không phải là dự án đồng phát nhiệt - điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.968 đồng/kWh tương đương 8,47 UScents/kWh, theo tỷ giá tính theo tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21-2-2020.

Giá mua điện quy định nêu trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của đồng đô la Mỹ (tính tương đương UScents/kWh), tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày Bên bán điện xuất hóa đơn thanh toán.

Các dự án điện sinh khối đã vận hành phát điện trước thời điểm 5-3-2020 được áp dụng mức giá mua điện nêu trên kể từ ngày 25-4-2020 cho thời gian còn lại của Hợp đồng mua bán điện đã ký.

Chi phí mua điện từ các dự án điện sinh khối nêu trên được tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá bán điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Các dự án điện sinh khối áp dụng giá mua điện theo quy định này không được áp dụng cơ chế giá cho sản lượng điện của dự án theo các quy định hiện hành khác.

 Nguồn Sở tư pháp Hà Nội