GIỚI THIỆU CHUNG GIỚI THIỆU CHUNG

CHÙA TRƯỜNG TÍN VÀ SƯ THANH QUÁN TRONG LÒNG PHẬT GIÁO HÀ NỘI
Ngày đăng 12/09/2020 | 15:33  | Lượt xem: 2087

Câu chuyện lịch sử CHÙA TRƯỜNG TÍN VÀ SƯ THANH QUÁN TRONG LÒNG PHẬT GIÁO HÀ NỘI

Trong bài “Vẻ đẹp chùa Tràng Tín” đăng trên báo Hà Nội Mới, thứ hai ngày 14 tháng 1 năm 2008 cho biết: trên mảnh đất còn lại của tòa Tam bảo và Phật điện rộng 300 m2 Hoà thượng Thích Gia Quang đã khởi công xây dựng lại chùa vào ngày 20-4-2007. Ngày 23-11-2007 công việc được hoàn tất. Ngôi chùa cổ được dựng lại trên đất cũ, làm lòng dân phấn chấn. Chùa mới Tràng Tín ba gian, hai tầng, mái lợp ngói ta, bốn góc có các đầu đao cong, mang đậm kiến trúc Á Đông. Tầng một là nhà Tổ, điện Mẫu; tầng hai thờ Phật. Phối hợp hài hòa với công trình chính là nhà khách, phòng tăng.

Chùa Tràng Tín với vẻ đẹp khiêm nhường từ nay trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh hấp dẫn, đáp ứng được lòng mong mỏi chính đáng từ mấy chục năm nay của nhân dân sở tại. Chúng ta cùng ngược dòng thời gian tìm hiểu về ngôi chùa này.

1. Chùa Trường Tín có từ bao giờ?

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc trong  sách Phố và đường Hà Nội (Nhà xuất bản Giao thông vận tải, 2004) lại cho rằng “chùa Trường Tín xây cất năm 1824”, nhưng không nói rõ trích dẫn từ nguồn sử liệu nào.

Hơn hai mươi năm trước, trong bài Chùa Tràng Tín đăng trên báo Giác Ngộ ông Nguyễn Mạnh Cường ở Viện Khảo cổ Việt Nam cho biết: kết quả khảo cứu các hiện vật khảo cổ và mặt cắt móng nhà số 25 phố Hàn Thuyên năm 1984 cũng như dựa vào niên đại “các pho tượng hiện còn kết hợp với các bộ tượng mà tôi còn kịp ghi chép như Tam Thế, A Di Đà Tam tôn, Phật niêm hoa v.v... cùng với quả chuông đã xác minh sự tồn tại đích thực của ngôi chùa Tràng Tín. Hơn thế nữa dựa vào niên đại của các hiện vật (các pho tượng Thích Ca Cửu long ở bàn thờ bên cạnh được thể hiện một bút pháp nghệ thuật độc đáo, mang đậm cái dáng vẻ thô mộc cổ kính. Vòng cầu trên đầu tượng với 9 đầu rồng phun nước tắm cho Phật lúc mới sinh thời, khác hẳn với các vòng cầu có nhiều tầng thế giới như quan niệm của các nghệ nhân thời Nguyễn về sau.), ta có thể khẳng định ngôi chùa được xây dựng vào thời Lê, cùng cái thời mà danh y Hải Thượng Lãn Ông đã từ bến đò Tràng Tín để trở về quê mẹ còn được ghi lại trong Thượng Kinh Ký Sự của ông.”

Chúng tôi nhất trí với ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường cho rằng chùa được xây vào cuối thế kỷ XVIII chứ không phải đời Nguyễn (từ 1802-1945).

Địa điểm của chùa là bên bờ Đông hồ Hữu Vọng, thuộc đất thôn Nhân Chiêu và Đức Bác, tổng Hậu Nghiêm, huỵện Thọ Xương, phía trong bến đò Tràng Tín. Năm 1783, danh y Lê Hữu Trác từ phủ chúa đi theo đường thủy đã xuống bến Tràng Tín để trở về quê cũ (1).

Theo Thượng Kinh Ký Sự thì ngày ấy sông Hồng còn chảy ở gần chùa Tràng Tín ngày nay, sau đó chuyển dòng và để lại một số hồ nước (nơi đất trũng). Dân làng trồng nhiều chuối ven hồ và cả trên đất lấp các hồ, khi thành ra phố dân chúng gọi luôn  Hàng Chuối (2).

2. Tên và địa chỉ chùa Trường Tín

Mặc dù chữ Trường và chữ Tràng là hai phiên âm của chữ ,nhưng theo chúng tôi nên gọi tên chùa là Trường Tín (chữ Tín dài lâu) thì hay hơn và hợp nghĩa hơn. Còn chữ Tràng từ năm 1945 trở về trước thường hiểu là trường học (đạo tràng, Cao Phong Phật học tràng).

Địa chỉ chùa Trường Tín hiện nay là Ngõ số 3 phố Hàng Chuối, Hà Nội. Tuy nhiên, theo tờ Khai Hóa Nhật Báosố 1739 ra ngày 13 tháng 8 năm 1927: “Hôm 10-8-1927, bản quán có được cái hân hạnh tiếp kiến Thanh Quán Thượng nhân là vị cao tăng trụ trì chùa Trường Tín ở Ngõ Hàng Chuối (géneral Ràael) N033(3) đi qua đường Hàm Long thì đến chùa”.

Tại sao lại có sự chênh nhau đến 30 số nhà như vậy? 

Theo chúng tôi cách nay 80 năm phố Hàng Chuối có lẽ bắt đầu từ phố Ngô Quyền hoặc bắt đầu phố như hiện nay nhưng lúc đó có nhiều nhà hơn?

3. Thanh Quán Thượng nhân là ai?

Theo bài Câu chuyện nhà sư của tờ Khai Hóa Nhật Báo thì Thượng nhân (còn gọi là Tỷ khiêu, Bỉ khâu, Bí xu) Thanh Quán lúc đó đang trụ trì chùa Trường Tín. Ông giỏi tiếng Hán và tiếng Pháp, biết tiếng Phạn. Ngày 10 tháng 8 năm 1927 Thượng nhân dịch xong bộ kinh Hiền Ngu và đưa đến báo Khai Hóa đề nghị đăng.

Nói về cuộc đàm đạo giữa ông và Ban Biên tập, báo Khai Hóa viết: “Nói đến chuyện Chấn hưng Phật giáo thì Thanh Quán Thượng nhân rất lấy làm khâm phục chương trình của Tỷ khiêu tự Lai người đã bày giãi. Thượng nhân nói rằng: Nay mai ngài xuất bản xong mấy bộ kinh sẽ khởi sự cổ động vào báo cùng sư ông Tâm Nhạ ở chùa Phương Lăng (Thủy Nguyên, Kiến An) và sư ông Lai ở Thái Nguyên hợp tác lại cho nên công quả, rồi sẽ cùng vào Sài Gòn tìm ông Thiện Chiếu. Song còn phải in kinh in sách để cho thập phương tăng chúng tín đồ biết đến tấm lòng cao cả của Thượng nhân đã. Ý kiến ấy khả ái thay!” (4)

Tháng 4 năm 1928, trên tờ Khai Hóa Thanh Quán Thượng nhân viết một loạt bài về Chấn hưng Phật giáo như: Bàn về việc lập tùng lâm và việc dịch kinh điển; Bàn về việc lập Tinh xá để thờ Phật; Bàn về việc tô tượng và bài trí tượng Phật trong chùa; Khảo cứu về phiên dịch Kinh, luật, luận.

Không chỉ viết báo ủng hộ phong trào Chấn hưng Phật giáo do sư ông Lai ở chùa Hang, Thái Nguyên khởi xướng mà Thanh Quán Thượng nhân còn thực hành chấn hưng ngay tại chùa Trường Tín bằng những việc làm thiết thực như dịch kinh Địa Tạng, kinh Hiền Ngu v.v... ra chữ quốc ngữ; ông mở lớp triệu tập tăng sinh để thuyết trình về Chấn hưng Phật giáo được các nơi khâm phục. Sư Thanh Trọng ở Hưng Yên viết: “Trường Tín niên thiếu Tỷ khiêu như sư ông Thanh Quán chùa Trường Tín ở Hà thành, lại đứng lên tập tăng để Yết ma về việc “Chấn hưng” đàm luận đạo lý thật là chính đáng bởi vì người nho học uẩn súc, thiền học cũng thúy áo, lại lịch duyệt các sách tân trào đương thời cũng là tái lai Bồ tát; vì đó mới phát quảng đại Bồ đề tâm như vậy.”

Một ngày cuối năm 1946 hoặc đầu năm 1947 người dân khu Hàng Chuối, Lò Đúc rất sửng sốt khi nghe tin Thanh Quán Thượng nhân bị quân Pháp bắt và xử tử vì tội tham gia kháng chiến, hoạt động bí mật chống lại nhà cầm quyền.

http://chuaxaloi.vn/upload/hinhanh/tu_quang_02/19_Chua_Truong_Tin_duoc_xay_moi_va_khanh_thanh_nam_2007.jpg

Chùa Trường Tín được xây mới và khánh thành năm 2007

Người kế đăng Thanh Quán Thượng nhân làm trụ trì chùa Trường Tín là Kim Tiên tử Đắc Nhất. Sư ông là một cộng tác viên tích cực của Bán nguyệt san Tiếng Chuông Sớm với các bài Sự tích Phật tổ, Phật pháp hội thông đăng nhiều kỳ trên Bán nguyệt san Tiếng Chuông Sớm, ngoài ra ông còn có các bài giới thiệu Phật giáo Trung Hoa, Nhật Bản, thơ ca nhà Phật trên báo. Ông cũng là người tích cực tham gia diễn thuyết tại nhiều chùa thuộc Bắc Kỳ Cổ Sơn Môn do Hòa thượng Đinh Xuân Lạc (Thanh Tường) đứng đầu.

Ông đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân vùng này, từng làm Phó Ban Duy Na Giáo hội Tăng già Bắc Việt từ tháng 12 năm 1952. Sau ngày Ông mất, ngôi chùa không có người trụ trì, trở thành hoang phế từ đó. 

Thượng tọa Thích Thanh Ninh, chùa Quán Sứ cho biết: năm 1978 chùa Trường Tín có đưa sang chùa Quán Sứ một số hiện vật sau:

1. Chuông đồng (đại hồng chung); 2. Tượng Đức Ông đặt tại Trai đường Quán Sứ; 3. Tượng Văn Thù và tượng Phổ Hiền đặt tại cung tả hữu trên thượng điện.

Mấy năm sau, Ni sư Mạn Đà La từ Pháp về nước, nhận rõ giá trị nghệ thuật của các pho tượng và di vật chùa Trường Tín, đã thỉnh sang chùa Trúc Lâm ở ngoại ô Paris :

1. Tòa Tam Bảo (có 9 pho tượng); 2. Hoành Phi; 3. Câu đối.

Người viết bài này xin có nén tâm nhang tưởng nhớ đến vị trụ trì chùa Trường Tín, đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài và anh dũng của dân tộc.

 Cầu chúc chùa Trường Tín lại lung linh tỏa sáng chữ TÍN dài lâu trong đời sống tâm linh của nhân dân Thủ đô.http://chuaxaloi.vn/upload/hinhanh/thuong_dung/Logo_hoa_sen_ket_thuc_bai.jpg

Theo Chùa Phật Học Xá Lợi