GIỚI THIỆU CHUNG
Tọa lạc trên con phố Trần Xuân Soạn, phường Phạm Đình Hổ có một ngôi chùa cổ kính hàng trăm năm tuổi với những kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thời kì nhà Nguyễn. Đó là chùa Đức Viên.
Chùa nằm cách trung tâm thủ đô khoảng 1,6km về phía Đông Nam theo hướng từ bờ Hồ đi xuôi xuống dọc theo con phố Bà Triệu, rẽ vào phố Hàm Long đi đến ngã 4 Lò Đúc - Lê Văn Hưu, rẽ vào phố Lò Đúc, tiếp tục di chuyển trên phố Lò Đúc đến Trần Xuân Soạn, sẽ thấy ngôi chùa nằm ở đầu phố, bên dãy số chẵn, số 4 Trần Xuân Soạn.
Sơ khai, chùa có tên là Hương Viên ( Hương Viên là tên gọi của làng Hương Viên), sau được đổi thành Phương Viên ( Vườn thơm). Đến thời kỳ Pháp thuộc, tên chùa được đổi thành Đức Viên.
Đây nguyên là nhiều thôn trại cũ thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Thời Pháp thuộc gọi là Đức Viên. Tên chữ của chùa là “Hồng Đức tự” (chùa Hồng Đức).
Chùa được xây dựng vào những năm đầu thế kỉ XIX. Trên tấm bia cổ nhất trong chùa, dựng năm Tự Đức thứ 3 (1850) ghi lại : “…chùa được xây dựng lại hoàn toàn mới trên nền ngôi chùa cũ có từ xưa thuộc thôn Hương Viên đã bị hỏa hoạn…”
Bia “ Hồng Đức Giáp, Phương Viên hộ thứ 5, Hà Thành được dựng năm Bảo Đại 16 ( 1941) cho biết: “ …Chùa Phương Viên Bồ Tát tâm địa giới pháp danh Diệu Bằng An Nhẫn thiền sư đến trụ trì ở đây, cột gỗ mái tranh, chùa còn đơn sơ, thuần cổ. Sau cơn binh hỏa, chùa bị cháy trụi, sư tổ sửa lại, dựng lên mấy gian nhà ngói, thế nhưng quy mô còn nhỏ hẹp. Kế đến là các vị đệ tử Nam mô Đức Viên Tháp Ma Ha tì khiêu ni Bồ Tát giới hiệu Đàm Uyển…lại góp công tôn tạo thêm, nào là tô tượng, lại đúc thêm chuông đồng. Do vậy mà chùa thờ Phật được xây dựng ở kinh đô, nguy nga, tráng lệ, chẳng những làm tăng vẻ đẹp để dân chiêm ngưỡng, mà còn làm cao hơn, rộng hơn để lại cho đời sau”.
Bài minh trên chuông “ Đức Viên tự chung” được tạo năm Thành Thái Canh Dần (1890) do nhà sư Diệu Niệm tu ở chùa soạn cũng ca ngợi về cảnh chùa linh thiêng “…chùa hiển linh cả một vùng rộng lớn, người xưa cúng cầu tấp nập, rạng rỡ khắp trong triều nội, ngoại…”. Năm 1947, chùa bị Pháp đốt cháy, các công trình kiến trúc hiện nay của chùa là kết quả của lần trùng tu lớn nhất năm 1950. Chùa hình chữ “Đinh”, tổng thể mặt bằng chùa gồm: tam quan, chùa chính, nhà tổ, nhà mẫu, nhà khách. Tam quan được xây dựng dạng chồng diêm, hai tầng tám mái ngói gải ống, chính giữa bờ nóc được trang trí nhiều đề tài sinh động như: mặt hổ phù, cá hóa rồng, hoa cúc cách điệu,...Hai cổng bên đắp nổi cách điệu đề tài “ tứ linh”, “ tứ quý”.
Chùa chính hình chữ “ Đinh” gồm 3 gian Tiền đường, 3 gian Thượng điện xây dọc. Kết cấu của chùa chính được tạo dựng hết sức vững chắc với thức vì làm dạng “ chồng rường giá chiêng” và phần họa tiết trang trí tập trung ở các bức cốn, vách với những đề tài quen thuộc như hoa cúc cách điệu, lá lật, văn chữ triện, tứ linh, tứ quý,…mang đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn. Đặc biệt trong chùa còn có những bức đại tự, câu đối, cuốn thư sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Nhà mẫu nằm bên trái chùa gồm 3 gian, xây bằng các chất liệu truyền thống. Bộ khung được kết cấu theo kiểu vì chồng rường giá chiêng với hình dáng vỏ cua bào trơn không trang trí. Gian giữa là ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu và Tứ phủ Công đồng, hai gian bên thờ Đức Thánh Trần và chúa Sơn Trang. Tiếp đến là nhà Tổ với 5 gian mới được trùng tu những năm gần đây nhưng vẫn giữ được các nét đặc trưng của kiến trúc dân gian truyền thống của người Việt. Ở giữa là nơi đặt tượng các vị sư tổ đã viên tịch, các gian bên cạnh treo nhiều bức võng, hoành phi, câu đối,…ca ngợi cảnh chùa và đạo Phật.
Đối diện với chùa Đức Viên, số nhà 1-3 hiện nay, xưa vốn là ngôi đình của làng Phương Viên thờ Chu Văn An. Ngôi đình này, trong thời gian kì Pháp thuộc đã bị phá bỏ, bài vị của Chu Văn An cùng nhiều đồ thờ tự được người dân chuyển sang chùa để thờ. Bài vị, long ngai của Chu Văn An được thờ ở gian bên cạnh chùa chính (gian bên phải tiền đường) với dòng chữ: “Đại Đô thành hoàng Chu Văn An tôn thần”. Như vậy, ngoài chức năng là chùa thờ Phật, chùa Hương Viên còn chức năng thờ thành hoàng làng Phương Viên - Chu Văn An.
Cũng như các chùa khác, chùa Đức Viên có đầy đủ các lớp tượng được tạo tác tỉ mỉ, công phu với các nét chạm uyển chuyển, mềm mại mang tính nghệ thuật cao. Đặc biệt là bộ tượng Tam Thế, A di đà Tam Tôn, tòa Cửu Long và tượng Thích ca sơ sinh, tượng Quan âm chuẩn đề.
Ngoài hệ thống tượng tròn, hoành phi, câu đối, cửa võng, hương án,…đặc biệt chùa còn lưu giữ được 5 tấm bia đá, 2 chuông đồng được tạo tác thời kì nhà Nguyễn và một bản sao cuốn thần phả về thành hoàng Chu Văn An. Đây là nguồn tư liệu quan trọng, quý giá được lưu giữ đến nay.
Vào ngày 20 tháng 5 năm 2003, UBND Thành phố Hà Nội đã ra quyết định số 2775/QĐ-UB xếp hạng chùa là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Trong những năm qua, UBND quận, các cấp các ngành cùng với các tăng ni, Phật tử chùa Đức Viên luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Ngoài mục đích là một địa chỉ tín ngưỡng, chùa Đức Viên còn là một địa chỉ văn hóa tâm linh ý nghĩa trong hành trình du lịch văn hóa của du khách khi đến với quận Hai Bà Trưng.
Lê Thanh Nga - Phòng VH&TT quận